Sunday, September 15, 2013

ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ, MỘT ĐẠI HỌA CHO SỰ TỒN VONG CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC


Nguyễn Thu Trâm, 8406
Ngay từ tháng 8 năm 1945, sau khi cướp được chính quyền, Hồ Chí Minh đã bắt tay xây dựng một chế độ độc tài toàn trị với việc thanh trừng lãnh tụ của các đảng phái chính trị không cộng sản cũng như thủ tiêu tất cả các sỹ phu yêu nước không đồng chính kiến với Hồ Chí Minh, để giành quyền độc tôn thống trị đất nước và dân tộc về đảng cộng sản.
Với chính sách cai trị đó, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của cộng sản đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác trong suốt thời gian nắm quyền, khiến cho dân tộc Việt Nam triền miên trong điêu linh, tăm tối, đất nước Việt Nam phải thường xuyên đối mặt với hiểm họa này  đến hiểm họa khác, từ hàng triệu thanh niên hai miền Nam – Bắc đã phải vong mạng trong cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam mà đảng cộng sản Việt Nam ngoa ngôn là giải phóng dân tộc, cho đến hàng trăm ngàn thanh niên của nước Việt Nam sau thời nội chiến cũng đã phải bỏ mình trong cuộc  chiến tranh phi nghĩa, xâm lược Cambodia vào năm 1978.

Sai lầm nối tiếp sai lầm, hiểm họa tiếp liền hiểm họa bởi mọi chính sách từ an ninh quốc phòng cho đến ngoại giao, nội trị của Việt Nam đều do đảng cộng sản quyết định mặc dù trên lý thuyết, hiến pháp của cộng sản Việt Nam quy định rằng: “Quốc hội Việt Nam là một cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và rằng “Thành phần nhân sự của cơ quan này là các đại biểu quốc hội Việt Nam, do cử tri Việt Nam bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.  Theo hiến pháp và luật pháp nhà nước, các đại biểu quốc hội không có nghĩa vụ phải tuân theo các chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam.” Nhưng trên thực tế thì Chủ tịch Quốc hội được đề cử bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và 90%  các đại biểu quốc hội là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam  vì lẽ đó, họ phải luôn luôn tuân thủ các chỉ thị của đảng. Do đó, Quốc hội Việt Nam không có được sự độc lập khỏi Đảng CS khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Mà mọi quyết sách về các vấn đề của đất nước đều do 14 ủy viên Bộ Chính Trị đưa ra. Vả lại, trong số 493 đại biểu quốc hội, thỉ chỉ có khoảng 1/10 tức là khoảng 49 người có được học hành tương đối quy củ để có thể có những nhận thức độc lập về các chương trình nghị sự của quốc hội về những vấn đề hệ trọng của đất nước, thành phần còn lại của quốc hội chủ yếu là xuất thân từ các gia đình có công lao với chế độ, hoặc các chức sắc tôn giáo quốc doanh hoặc các “cán bộ” khung của các sắc tộc thiểu số ở miền núi, chỉ cần biết tuyệt đối trung thành với chế độ mà không cần phải có chút tri thức nào. Và cũng thật đáng buồn là thiểu số những đại biểu quốc hội hội có chút tri thức nói trên thì lại thiếu nhân cách và bản lĩnh để có thể dám làm những việc như cụ Nguyễn Trường Tộ đã làm trước đây trong chế độ quân chủ là điều trần với nhà vua về quốc kế dân sinh, về cải tổ chính trị, văn hóa, khoa học và giáo dục với một tâm tình nặng trĩu với tiền đồ của quốc gia, dân tộc rằng: “Biết không nói là kẻ bất nhân, nói mà không nói hết là kẻ bất nghĩa. Thế cho nên thân tôi tuy ở chốn giang hồ mà lòng vẫn gửi nơi lăng miếu. Tôi thật không nỡ nhìn thấy nước nhà đổ nát, trăm họ lưu ly, cho nên không xét phận hèn mọn mà dám phạm vào lỗi nói ngay thẳng. Nếu cho lời tôi là khi trá, hoặc có ai xúi giục, thì xin đem tờ biểu này treo ở Quốc môn để sau này làm chứng”. Phải chăng vì đất nước đã đến thời mạt vận nên trí thức, hiền tài phải hèn nhát, phải khom lưng cúi đầu trước bạo quyền để được an phận mà hưởng bổng lộc và ơn mưa móc của chế độ? Hay vì sự độc tài toàn trị của đảng cộng sản khiến cho kẻ sỹ phải chịu nhục, chịu hèn để cho quá khứ của dân tộc thì quá đau thương, hiện tại dân tộc thì quá thê lương và tương lai thì dân tộc đang đứng trước một đại thảm họa? 

Ngoài thảm họa mất dần lãnh thổ và lãnh hải do sự nhu hèn, bạc nhược của chế độ CSVN đối với chính sách “tằm ăn lá dâu” của Tàu cộng thì một đại họa khác cũng đang treo lơ lửng trên đầu cả dân tộc, đó là việc quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 14 lò phản ứng hạt nhân tại các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh, với nguồn kinh phí lên đến hàng trăm tỷ Mỹ Kim từ nguồn vốn vay mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn vào tháng 6 năm 2010 và theo kế hoạch thì các nhà máy sẽ bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2014 đến năm 2030 và chưa biết lúc nào một thảm họa như Tchernobyl, Three Miles Island hay Fukushima sẽ xãy phải ra tại để lại cho hàng chục thế hệ con cháu nguồn chất thải phóng xạ mà “ngàn đời vẫn còn nguy hiểm.” . Mà theo giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một chuyên gia với thâm niên 30 năm nghiên cứu về điện hạt nhân thì “tất cả các sự cố xãy ra tại Tchernobyl, Three Miles Island hay Fukushima đều do con người mà ra, do sai lầm, do thiếu trình độ. Những rủi ro ấy, không phải vì thiết bị hay thiết kế, những thảm họa xảy ra hoàn toàn là do con người. Lẽ cố nhiên, có sơ suất về trang bị, về thiết kế, nhưng vấn đề nhân sự là chính.” So với người Mỹ, người Nhật và người Nga, thì rõ ràng mặt bằng dân trí chúng ta còn thấp kém hơn, do nền giáo dục XHCN từ mấy chục năm qua đã làm cho con người Việt Nam trở nên vô ý thức vô kỷ luật và vô thượng tôn pháp luật thì việc một thảm họa hạt nhân xãy ra là điều không phải quá xa vời. Ở Việt Nam, hỏa hoạn xãy ra quá thường xuyên ở các nhà máy, các xí nghiệp đến mức người dân cảm thấy quá bình thường, và chỉ mới vào ngày 4 tháng 9 vừa qua đây thôi, một giám đốc và năm nhân viên bao gồm cả kỹ sư đã chết ngạt trong bồn dầu cá tại nhà máy sản xuất bột cá và dầu cá thuộc công ty đa quốc gia IDI tại Đồng Tháp là một minh chứng cho thấy trình độ dân trí cũng như ý thức kỷ luật lao động của người Việt còn quá kém để có thể tránh được một hiểm họa phóng xạ hạt nhân khi xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. 

Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cá nhân hay tổ chức chính trị, xã hội nào ở Việt Nam có thể ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở 5 tỉnh thành nói trên hầu có thể tránh cho đất nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam “một thảm họa như Tchernobyl hay Fukushima khiến phóng xạ bao trùm và đất nước và để lại cho hàng chục thế hệ con cháu chất thải phóng xạ ngàn đời vẫn còn nguy hiểm” Tại sao? Chỉ vì đó là quyết sách của đảng CSVN, một đảng cầm quyền, toàn trị và toàn quyền quyết định về mọi vấn đề quan trọng của đất nước cho dù quyết định đó có thể khiến cho nước mất nhà tan, dân tộc bị nô lệ, giống nòi bị diệt vong. 

Trong mấy năm gần đây, đã xuất hiện một số phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cũng như quyền quyết định vận mệnh của đất nước cho toàn dân, tuy nhiên do thiếu hậu thuẩn của quốc tế cũng như thiếu kiện toàn tổ chức, nên các phong trào đấu tranh đó đã nhanh chóng bị dập tắt, nhiều người đã bị tù đày lao lý, bởi chế độ cộng sản vốn độc tài toàn trị, tự cho mình cái quyền được thống trị đất nước mà không chấp nhận bất cứ sự phân chia quyền lực dưới bất cứ hình thức nào cho bất cứ tổ chức đảng phái nào cũng như không chấp nhận bất cứ sự đối kháng nào. Đây chính là nguy cơ đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đến bờ vực diệt vong trong một ngày không xa nữa.

 Đứng trước nguy cơ đó, thời gian gần đây một số đảng viên CS có nhân cách, có lòng tự trọng đã mạnh dạn thoái đảng, từ bỏ các đặc quyền đặc lợi mà đảng cầm quyền ban cho để đứng vào hàng ngủ của những người đấu tranh dân chủ, đặc biệt là hai nhân vật rất tai tiếng trong thời đệ nhị Cộng Hòa và cũng rất nổi tiếng trong thời cộng sản là dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận, nguyên giám đốc chính trị, chủ bút nhật báo Tin Sáng, Ủy Viên Ủy Ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Hiếu Đằng nguyên là một trong các “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, thành viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và ĐH Luật Khoa, hiện là luật gia, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Nguyên Tổng thư kí Uỷ Ban Nhân Dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TP HCM, với 45 năm tuổi đảng, đã thực sự phản tỉnh khi nhìn thấy được sự nguy hiểm của chế độ độc tài đảng trị đối với sự tồn vong của giống nòi, nên đã có kế hoạch thành lập một chính đảng đối lập với đảng CS nhằm xóa bỏ sự độc tôn cai trị đất nước của đảng CS hầu cải thiện tình trạng dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Tất nhiên chính quyền CSVN đã không ngừng lên tiếng đả phá ý tưởng và phát ngôn của ông Lê Hiếu Đằng, bởi bản chật của CS là độc tài toàn trị nên không bao giờ chấp nhận bất cứ sự đối lập nào. Điều đáng tiếc là cũng có không ít tiếng nói chỉ trích và phản đối đến từ những người không cộng sản hir vì cái quá khứ của ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận… Chắc chắn mọi sự phản đối đó điều bất lợi cho công cuộc đấu tranh chung nhằm giải thể chế độ độc tài toàn trị CS, bởi sự ra đời của bất cứ chính đảng nào đối lấp với CS cũng đều hữu ích cho sự tồn vong của đất nước, của giống nòi Lạc Việt vì chỉ có CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ MỚI LÀ MỘT ĐẠI HỌA CHO SỰ TỒN VONG CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC. Và theo nhận định của nhiều người thì chỉ có những người cộng sản mới có thể đào mồ chôn chế độ cộng sản mà thôi.

Nguyễn Thu Trâm, 8406

No comments:

Post a Comment